Mỗi điểm thi có tối thiểu 25% giám thị là cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ và bố trí luân phiên giám thị coi thi các môn thi tốt nghiệp trong mỗi phòng thi tại các điểm thi...
Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) Nguyễn An Ninh cho hay, từ năm 2009 sẽ tổ chức chỉ một kỳ thi THPT quốc gia. Trong ba năm (từ 2009-2011) sẽ tổ chức thi đồng loạt, ở tất cả đơn vị thi trên toàn quốc, theo cùng một lịch thi, cùng một đề thi cho mỗi môn. Trong quí 1/2008, sẽ xây dựng qui chế kỳ thi THPT quốc gia để chuẩn bị cho việc triển khai từ năm 2009.
Thêm tiếng Đức và tiếng Nhật thi trắc nghiệm
Theo Bộ GD-ĐT, cơ bản công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2008 vẫn giữ ổn định theo giải pháp ba chung như năm 2007. Tuy nhiên, năm 2008 ở khối D, môn ngoại ngữ, ngoài tiếng Anh (D1), tiếng Nga (D2), tiếng Pháp (D3), tiếng Trung (D4) thêm tiếng Đức (D5) và tiếng Nhật (D6) thi theo hình thức trắc nghiệm.
Theo Thứ trưởng Bành Tiến Long: "Đề thi tự luận sẽ được thay đổi mạnh theo hướng tăng kiểm tra tính sáng tạo, kỹ năng thực hành của thí sinh. Mỗi đề thi sẽ gồm nhiều câu hỏi riêng biệt. Riêng cấu trúc đề thi các môn trắc nghiệm sẽ được công khai trước kỳ thi."
Như vậy, năm nay ở kỳ thi tốt nghiệp THPT có các môn thi theo hình thức trắc nghiệm gồm: Vật lí, Hóa học, Sinh học (nếu các môn này được quy định là môn thi tốt nghiệp năm 2008) và các môn ngoại ngữ như: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật.
Ở kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, các môn thi theo hình thức trắc nghiệm gồm: Vật lí, Hóa học, Sinh học và các môn ngoại ngữ: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật.
Điểm mới được Bộ GD-ĐT nhấn mạnh là đề thi, đáp án và thang điểm kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ khi chưa công bố (kể cả đề thi được sử dụng và đang trong giờ thi) thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ "Tối mật".
Đề thi được ra theo hướng kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức và phù hợp với nội dung chương trình và thời gian quy định cho mỗi môn thi, phân hóa được các đối tượng học sinh theo yêu cầu riêng của mỗi kỳ thi.
Không tính điểm bài thi làm cả 2 phần đề riêng
Đề thi tốt nghiệp THPT gồm 40 câu trắc nghiệm đối với các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học và 50 câu đối với các môn ngoại ngữ; thời gian làm bài là 60 phút. Đối với thí sinh học chương trình THPT phân ban thí điểm, đề thi gồm 2 phần: phần chung cho tất cả thí sinh, phần riêng cho thí sinh học chương trình ban Khoa học tự nhiên hoặc thí sinh học chương trình ban Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Thí sinh chỉ được làm một phần riêng thích hợp. Thí sinh nào làm cả 2 phần riêng (dù làm hết hay không hết, dù làm đúng hay không đúng), bài làm coi như phạm quy và không được chấm điểm phần riêng (phần chung vẫn được chấm điểm).
Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ gồm 50 câu hỏi đối với các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học và 80 câu đối với các môn ngoại ngữ. Thời gian làm bài là 90 phút.
Đề thi gồm 2 phần: Phần chung cho tất cả thí sinh, phần riêng cho thí sinh học chương trình THPT phân ban thí điểm hoặc thí sinh học chương trình THPT không phân ban. Thí sinh chỉ được làm một phần riêng thích hợp.
Thí sinh nào làm cả 2 phần riêng (dù làm hết hay không hết, dù làm đúng hay không đúng), bài làm coi như phạm quy và không được chấm điểm phần riêng (phần chung vẫn được chấm điểm).
Sẽ tăng lệ phí tuyển sinh
Thông tin Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết tại Hội nghị tuyển sinh 2008 tổ chức mới đây. Năm nay sẽ tăng lệ phí tuyển sinh, để bù lỗ cho các trường ĐH, CĐ. Mức thu hiện hành với mỗi thí sinh là 60.000 đồng.
Bộ GD-ĐT đã trao đổi và có văn bản gửi Bộ Tài chính. Chắc chắn năm nay lệ phí thi tuyển sinh sẽ tăng. Tuy nhiên, mức tăng cụ thể sẽ phải tính chi tiết để vừa đảm bảo được công tác tổ chức thi nhưng đồng thời cũng đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Các trường CĐ thi "2 chung"
Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn đề thi dùng chung cho các trường CĐ có tổ chức thi (kể cả các môn thi bằng phương pháp trắc nghiệm và các môn thi tự luận), trừ các môn năng khiếu. Cấu trúc đề thi gồm hai phần: phần câu hỏi bắt buộc đối với tất cả thí sinh và phần câu hỏi tự chọn theo nội dung chương trình THPT phân ban và chương trình không phân ban.
Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường CĐ dựa vào kết quả thi ĐH theo đề thi chung để xét tuyển. Những trường CĐ nào không dùng kết quả thi theo đề thi chung đó sẽ tổ chức thi. Thí sinh dự thi vào một trường CĐ có thể dùng kết quả để đăng ký xét tuyển vào một trường khác ngay cả đối với các môn năng khiếu nếu được trường chấp nhận.
tuyển sinh