Năm 2008, ngoài việc cần tìm giải pháp để giải quyết hiện tượng học sinh ngồi sai lớp, hỗ trợ số bỏ học, hoặc là để số học sinh này được tiếp tục học đúng lớp, hoặc là tạo cho các em được lao động trong các môi trường phù hợp khác nhau thì cuộc vận động "hai không" còn phải tiếp tục làm triệt để hơn. Việc giải quyết hậu quả đào tạo không đạt chuẩn, không theo nhu cầu xã hội cũng phải làm mạnh hơn, kiên quyết hơn. Nhà nước tạo điều kiện để mọi công dân, mọi thế hệ được học tập suốt đời, nhưng không phải bằng mọi cách để người học được cấp bằng không đạt chuẩn. Hơn nữa lực lượng lao động cũng phải được phân tầng. Khi lực lượng lao động đã hành nghề đúng và phù hợp với kiến thức, năng lực, sở trường của mình rồi thì sau này vẫn có thể tiếp tục học tập, bồi dưỡng dưới nhiều hình thức khác nhau. |
Nếu được Chính phủ phê duyệt đề án thì bộ phải làm công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi cụ thể chi tiết về nội dung đề án để mọi người dân biết, đặc biệt là học sinh lớp 11, sang năm học 2008-2009 học lớp 12 có thể yên tâm học tập bình thường, không có gì phải quá lo lắng, vì thật ra đối với học sinh không có gì là biến động. Học sinh chỉ phải chuẩn bị tinh thần để thực hiện; nhiệm vụ duy nhất của học sinh là học và chuẩn bị cho kỳ thi thật tốt, thay vì phải vất vả trải qua hai kỳ thi, lần này các em chỉ tham dự một kỳ thi. Tất nhiên với yêu cầu cao hơn, nghiêm túc hơn.
Còn đối với công tác tổ chức thi chủ yếu chỉ liên quan đến bộ, các trường ĐH, CĐ, TCCN và các sở GD-ĐT. Nếu Chính phủ phê duyệt lộ trình thì bộ phải khẩn trương chuẩn bị tốt hơn khâu làm đề thi, phải xây dựng phương án tổ chức thi, chấm thi rất chi tiết; các trường ĐH, CĐ, TCCN phải công bố phương án xét tuyển (đây là quyền của các trường) trên cơ sở khung qui định của bộ. Chúng ta vẫn còn gần một năm rưỡi để chuẩn bị, nhưng mọi việc phải hoàn tất trước 31-12-2008. Như vậy thời gian cũng gấp gáp lắm rồi.
* VN chỉ còn một năm để thực hiện cam kết khi VN gia nhập WTO về việc dỡ bỏ rào cản để các doanh nghiệp nước ngoài tham gia hoạt động GD-ĐT tại VN. Theo ông, các trường ĐH VN cần chuẩn bị gì trong năm nay để tăng năng lực cạnh tranh vào năm 2009 khi phải cạnh tranh với các trường ĐH nước ngoài?
- Đầu tư vào giáo dục cũng không phải là một việc làm dễ dàng, nó không giống như đầu tư để sản xuất các sản phẩm tiêu dùng. Trách nhiệm của Nhà nước là xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật quốc gia để làm cơ sở pháp lý cho mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phải tuân thủ. Về giáo dục, bộ đang hoàn chỉnh việc này.
Mấy năm gần đây, những gì chúng ta làm cũng là để các trường ĐH tăng năng lực cạnh tranh không phải chỉ cho năm 2009 mà cho bất cứ lúc nào: vận hành hệ thống đào tạo theo nhu cầu xã hội, tăng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, triển khai đào tạo các chương trình tiên tiến, thành lập các trường chất lượng cao, xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng, đào tạo theo học chế tín chỉ, bồi dưỡng quốc tế cán bộ lãnh đạo cấp trường, đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin, xây dựng các cơ sở thí nghiệm, thực hành chuẩn... là các công việc của các trường đang làm và đang chuẩn bị, để trước hết nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho chính chúng ta và cũng là để nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập quốc tế.
Cái cần thiết hiện nay là các trường phải chuyển động mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. Hệ thống GD-ĐT của chúng ta vận hành theo "quán tính" cũ đó lâu, trong khi nhu cầu học tập của nhân dân rất lớn, lại không có hệ thống giám sát, kiểm định chất lượng, vì vậy không có áp lực phải đổi mới. Bây giờ phải tăng tốc thôi.
Còn Bộ GD-ĐT ngoài những việc đã và đang làm sẽ tiếp tục phân cấp mạnh mẽ, tạo cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các trường, tiếp tục cải cách hành chính, đặc biệt vận hành tốt hệ thống tín dụng sinh viên, xây dựng cơ chế tài chính minh bạch, học phí theo chi phí đào tạo để các trường tự đổi mới mình toàn diện.
bây giờ, tăng tốc