Thông tin Khoa học & Kỹ thuật

Xây dựng phương pháp kiểm nghiệm benzen trong nước giải khát

 

 

Phương pháp định lượng benzen trong nước giải khát do nhóm của TS. Diệp Ngọc Sương (Hội hóa học TP.HCM) xây dựng dựa trên phương pháp định lượng benzen của Mỹ (cơ quan FDA), sử dụng kỹ thuật phân tích pha hơi Headspace-GC/MS.

Nhóm nghiên cứu đã tập trung vào 3 nội dung: xây dựng phương pháp kiểm nghiệm benzen trong nước giải khát; khảo sát tình hình nhiễm benzen (nếu có) của những sản phẩm nước giải khát lưu hành trên địa bàn TP.HCM; nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu benzen trong nước giải khát.

 

TS. Phạm Thị Ánh, thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, các khảo sát cho thấy benzen có thể được hình thành trong nước giải khát có natri benzoat và vitamin C, nhất là khi tiếp xúc với ánh sáng và nhiệt. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát định lượng nồng độ benzen đối với hơn 100 mẫu nước giải khát của 51 nhãn hiệu khác nhau đang được bán ở thị trường TP.HCM (nước ngọt, nước tăng lực, nước ép trái cây…). Để khảo sát ảnh hưởng của nhiệt và ánh sáng mặt trời, nhóm nghiên cứu đã mang một số mẫu nước giải khát đem phơi ngoài nắng trong thời gian 3 tuần lễ.

 

Kết quả của thí nghiệm này cho thấy hàm lượng benzen có tăng, tăng tương đối ít với nước giải khát chứa trong lon (lon nhôm) và tăng nhiều hơn với sản phẩm nước giải khát chứa trong chai (thủy tinh, hay nhựa trong). Hiện tượng này chứng tỏ ánh sáng mặt trời có tác dụng mạnh hơn khi chiếu qua lớp vỏ chai trắng, trong. Với kết quả này có thể suy luận rằng phản ứng tạo benzen nhiều khả năng thuộc loại phản ứng gốc tự do. Để xác nhận thêm khả năng hình thành benzen khi có sự hiện diện đồng thời natri benzoat và vitamin C, nhóm nghiên cứu đã thực hiện việc cho hòa tan vitamin C và natri benzoat trong nước uống và theo dõi sự hình thành benzen.

 

 

Cuối cùng nhóm nghiên cứu đã thu được một số kết quả: các sản phẩm nước giải khát (nước ngọt thông dụng) có bán trên thị trường hiện nay không bị nhiễm, chỉ có một vài trường hợp ghi nhận chỉ bị nhiễm benzen ở mức độ nhẹ, dưới mức tiêu chuẩn cho phép của benzen trong nước uống (theo tiêu chuẩn của Việt Nam và Mỹ). GS.TS. Chu Phạm Ngọc Sơn, chủ tịch Hội hóa học TP.HCM, cố vấn khoa học của đề tài nghiên cứu này cho rằng, hoàn toàn có khả năng tránh hay làm giảm hàm lượng benzen trong nước giải khát bằng cách cải tiến công thức pha chế. Chẳng hạn như tránh sử dụng đồng thời natri benzoat và vitamin C; thay chất bảo quản natri benzoat bằng chất bảo quản khác. Ngoài ra, cần trữ nước ngọt trong mát, tránh ánh nắng mặt trời; giảm sử dụng bao bì nước ngọt bằng chai thủy tinh hay nhựa trong suốt…

 

GS.TS. Chu Phạm Ngọc Sơn nêu ý kiến:  “Qua kết quả nghiên cứu khảo sát, nhóm đề tài kiến nghị các cơ quan chức năng nên sớm có những biện pháp khả thi trong việc hỗ trợ và vận động các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát nên sử dụng các phụ gia thích hợp đồng thời chú ý đến điều kiện lưu trữ sản phẩm”. O

 

Tiêu chuẩn về hàm lượng benzen

Hiện nay vẫn chưa có tiêu chuẩn về hàm lượng benzen tối đa cho phép trong nước ngọt, chỉ có tiêu chuẩn trong nước uống: 5 µg/L theo tiêu chuẩn của Mỹ và Canada, 10 µg/L theo tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới (WTO), 1 µg/L theo tiêu chuẩn của châu Âu và 10 µg/L theo tiêu chuẩn Việt Nam (tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống kèm theo quyết định của bộ trưởng Bộ y tế số 1329/2002/BYT/QĐ ngày 18/4/2002, tiêu chuẩn TCVN 5502:2003 về nước cấp sinh hoạt).


LÊ HIẾU MINH  

http://www.khoahocphothong.com.vn

giải khát, kiểm nghiệm, phương pháp, xây dựng


        • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
        • Điện thoại: 0251 3952 778
        • Email: lachong@lhu.edu.vn
        • © 2023 Đại học Lạc Hồng
          1,349,462       1/877