Tuyên truyền

Sinh viên đang học  »  Tuyên truyền


Văn hóa nhường đường khi tham gia giao thông

     Để bảo đảm trật tự, an toàn và thông suốt của giao thông đường bộ, người tham gia giao thông, đặc biệt là người điều khiển phương tiện không những phải nhường đường theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, khi gặp tín hiệu đèn giao thông hay biển báo hiệu, vạch kẻ đường mà còn phải bắt buộc tuân theo các quy tắc nhường đường khi chuyển hướng xe, tránh xe đi ngược chiều; nhường đường cho các loại xe ưu tiên, nhường đường tại nơi giao nhau...

Theo Luật giao thông đường bộ Việt Nam năm 2008 quy định:

Khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo quy định sau đây:

1. Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải.

2. Tại nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi bên trái.

3. Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.

4. Hai xe đi ngược chiều: Xe rẽ phải được đi trước; xe rẽ trái nhường đường cho xe đi thẳng.

5. Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.

- Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.


Cần chú ý quan sát kỹ khi qua đường ở những nơi có vạch
kẻ đường dành cho người đi bộ (Ảnh minh họa)

Khi lưu thông trên đường:

1. Trên đường không phân chia thành hai chiều xe chạy riêng biệt, hai xe đi ngược chiều tránh nhau, người điều khiển phải giảm tốc độ và cho xe đi về bên phải theo chiều xe chạy của mình.

2. Các trường hợp nhường đường khi tránh nhau quy định như sau:

- Nơi đường hẹp chỉ đủ cho một xe chạy và có chỗ tránh xe thì xe nào ở gần chỗ tránh hơn phải vào vị trí tránh, nhường đường cho xe kia đi.

- Xe xuống dốc phải nhường đường cho xe đang lên dốc.

- Xe nào có chướng ngại vật phía trước phải nhường đường cho xe không có chướng ngại vật đi trước.

3. Xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa.

4. Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.


Phần lớn những vụ ùn tắc giao thông đều xuất phát từ việc chen lấn,
 không nhường đường của người điều khiển phương tiện giao thông (Ảnh minh họa)

     Điều 20 Luật giao thông đường bộ quy định một số phương tiện được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự sau đây:

a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp;

c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

d) Xe hộ đê, xe đang làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai hoặc tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

đ) Đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;

e) Đoàn xe tang;

Khi có tín hiệu của xe ưu tiên, mọi người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Cấm các hành vi gây cản trở xe ưu tiên.


Đoàn xe ưu tiên của cảnh sát (Ảnh minh họa)

     Ngoài ra, có những trường hợp tuy pháp luật không quy định, nhưng nếu là một người có văn hóa khi tham gia giao thông, chúng ta cũng không thể thờ ơ, đó là: nhường đường cho trẻ em, người già, người nước ngoài, người ít có kinh nghiệm tham gia giao thông (người mới tập lái xe, người ở nông thôn ra thành phố); nhường một phần đường của mình khi gặp đám rước; phương tiện do súc vật kéo, phương tiện cồng kềnh hơn... đi ngược chiều.


Một Pa nô cổ động việc nhường đường (Ảnh minh họa)

     Thiết nghĩ trong bối cảnh hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được sự gia tăng đột biến về phương tiện giao thông như hiện nay thì ý thức của mỗi cá nhân đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiềm chế tai nạn giao thông. Văn hóa nhường đường khi tham gia giao thông chính là một trong những nét đẹp mà các bạn sinh viên cần học tập và phát huy. Thà chậm một giây còn hơn là gây tai nạn các bạn nhé!

 (Nguồn: Trích từ Luật giao thông đường bộ Việt Nam)


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  2,314,818       1/771