Mới đây, Đại học Lạc Hồng là 1 trong 7 trường đại học tại Việt Nam vinh dự được góp mặt trong việc thực thi “Dự án BUILD – IT”. Đây là dự án nâng cao năng lực giáo dục đại học do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ và Trường Đại học Bang Arizona (ASU) thực hiện. Sau 3 tháng đặt vấn đề với Đại học Lạc Hồng, cuối tháng 01/2016 Ban Lãnh đạo (BLĐ) dự án BUILD–IT tại Việt Nam đã trở lại Trường để tiếp tục bàn về các nội dung cần thực hiện trong thời gian tới.
Buổi làm vệc thứ 2 giữa LHU và BLĐ dự án BUILD–IT
Tiếp đoàn có Ông Đỗ Hữu Tài – Chủ tịch HĐQT – Hiệu trưởng nhà trường; Ông Lâm Thành Hiển – Phó Hiệu trưởng thường trực; Ông Huỳnh Trung Tâm – Trưởng phòng QHQT; Ông Nguyễn Vũ Quỳnh – Trưởng Khoa Cơ điện Điện tử; và Ông Nguyễn Thanh Lâm – P.Trưởng phòng NCKH.
Về phía phụ trách dự án có Ông Jeffrey Goss – Phó Hiệu trưởng ASU - Giám đốc dự án BUILD – IT và Ông Karl B. Theisen – GĐ điều hành dự án BUILD – IT tại Việt Nam
“BUILD – IT” – bước ngoặt thay đổi diện mạo LHU
Ra đời từ năm 2010, “BUILD – IT” là dự án của Chính phủ Hoa Kỳ cùng phối hợp với Intel và ASU thực hiện. Với mục tiêu thay đổi chính sách của các trường đại học, từ chính sách quản lý đến các chính sách khác, tính đến thời điểm này, dự án đã trải qua hai giai đoạn, và đang bước vào giai đoạn thứ ba (2015 – 2020). Cuối năm 2015, Đại học Lạc Hồng chính thức tham gia dự án.
Trong khoảng thời gian sắp tới, dự án tập trung phát triển năng lực cho giảng viên theo hai hướng:
- Đào tạo liên quan đến cải tiến chương trình đào tạo đại học;
- Đào tạo liên quan đến nâng cao năng lực lãnh đạo.
Dù đi theo hướng nào thì “BUILD – IT” cũng xoay quanh hai mảng lớn: phát triển nhân lực và kiểm định chất lượng.
LHU góp mặt cùng các "ông lớn" trong dự án của Chính phủ Hoa Kỳ
Được biết, ngoài Đại học Lạc Hồng thì dự án này đồng phối hợp với 3 trường ĐH tại Mỹ; 2 trường thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội; 2 trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM; ĐH Cần Thơ và ĐH Đà Nẵng. Để mối liên kết có hiệu lực, sắp tới nhà trường sẽ cùng với đại diện dự án ký kết bản thỏa ước hợp tác.
Có thể thấy rằng, “sự ưu ái” của Chính phủ Hoa Kỳ dành cho Trường, hứa hẹn sẽ đưa Đại học Lạc Hồng lên một tầm cao mới.
Ông Karl B. Theisen trình bày các hoạt động của dự án
Cũng tại buổi làm việc, Ông Karl B. Theisen đã đặt lời mời Đại học Lạc Hồng tham gia trình bày tham luận tại “Hội nghị giảng dạy kỹ thuật” vào 2 ngày (14,15/04/2016 tại TP.HCM). Qua lời mời trên, Ông Jeffrey Goss - Phó Hiệu trưởng ASU - Giám đốc dự án BUILD–IT bày tỏ: “Được biết quý trường có tiếng về các cuộc thi thiết kế và đoạt giải thưởng quốc tế như "Shell Eco Marathon ASIA", chúng tôi rất mong các vị sẽ chia sẻ về những điều đã làm được tại hội nghị sắp tới”.
Nhắc đến dự án “BUILD – IT”, Ông Đỗ Hữu Tài – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, phía nhà trường sẽ nghiên cứu các hoạt động được đề ra trong dự án. Hoạt động nào nhà trường đã và đang thực hiện có hiệu quả thì sẽ báo cáo với tổ chức. Còn hoạt động nào chưa thực hiện được cũng sẽ đề lên tổ chức để được hỗ trợ, và cố gắng phối hợp đến năm 2020 sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp mà tổ chức đã đề ra trong dự án.
“BUILD – IT” gắn liền với 9 hoạt động: - Thứ nhất là hoạt động kết nối sinh viên với các doanh nghiệp một cách chặt chẽ hơn; xác định các yếu tố của thị trường lao động Việt Nam, qua đó rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho sinh viên để đáp ứng cho doanh nghiệp; - Thứ hai là hoạt động đào tạo kỹ năng lãnh đạo cho lãnh đạo các đơn vị trường học (thiết kế chính sách, chiến lược cho trường theo lĩnh vực hoạt động của trường...); - Hoạt động thứ ba nhằm khuyến khích nữ cán bộ, giảng viên và sinh viên tham gia lĩnh vực kỹ thuật và hoạt động kỹ thuật nhiều hơn (tham gia WiSE club là câu lạc bộ dành cho nữ cán bộ, giảng viên và sinh viên trong lĩnh vực kỹ thuật); - Trong hoạt động thứ tư, tập trung hỗ trợ các trường đào tạo kỹ sư của mình theo chuẩn Quốc tế (tập chung vào chất lượng giảng dạy, duy trì và phát triển chiến lược..., qua đó có thể đánh giá được chất lượng của trường); - Hoạt động thứ năm, đưa giảng viên Việt Nam sang ASU học từ 4 – 6 tuần. Nhưng để giảm bớt kinh phí, BUILD – IT sẽ cử giảng viên ASU sang Việt Nam để đào tạo cho một số giảng viên và cán bộ nguồn, lấy đó làm nguồn nhân lực chủ chốt cho các khoá đào tạo tiếp theo ...; - Thứ sáu là hoạt động hỗ trợ giảng viên kỹ thuật trong việc xây dựng dự án đào tạo linh động giữa lý thuyết và thực hành; - Hoạt động thứ bảy là đẩy mạnh mô hình phòng LAB và phòng thí nghiệm; - Ở hoạt động thứ tám, cung cấp tài liệu, nguồn tài nguyên thông tin tư liệu trên hệ thống thông tin điện tử để các trường thành viên cùng sử dụng và tham khảo; - Hoạt động thứ chín là hỗ trợ các trường xây dựng hệ thống CLOUD để lưu trữ dữ liệu. |
BUILD – IT, Hoa Kỳ, năng lực, kỹ thuật, lãnh đạo