Dưới mái trường

Triết lý đào tạo trí tuệ của Đại học Lạc Hồng

Là một trường Đại học ngoài công lập, thế mạnh của trường là sự tâm huyết của các nhà đầu tư, sự chủ động trong việc xây dựng hệ thống cơ sở vật chất để thực hiện tốt nhất triết lý đào tạo của mình. Từ khi thành lập cho đến nay trường Đại học Lạc Hồng đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất đủ cho 20.000 sinh viên theo học với 4 cơ sở khác nhau. Các phòng học của trường rộng rãi, thoáng mát và đều được trang bị máy tính, máy chiếu phục vụ cho hoạt động giảng dạy và học tập. Trường có 4 xưởng thực hành và 28 phòng thí nghiệm, gần 1000 máy tính được kết nối Internet và thường xuyên nâng cấp. Trong thời gian vừa qua trường đã từng bước nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất của thư viện nhằm thỏa mãn nhu cầu nghiên cứu và học tập của cán bộ giảng viên, sinh viên trong trường. Thư viện liên tục bổ sung thêm số lượng giáo trình, sách tham khảo đặc biệt là sách tham khảo ngoại văn. Thư viện truyền thống của trường có khoảng 10000 cuốn sách. Ngoài ra, trường có thư viện điện tử với gần 9000 cuốn sách điện tử. Nhằm làm phong phú nguồn tài liệu điện tử, thư viện của trường đã kết nối với thư viện của ĐH Kinh tế TP. HCM, ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên, Thư viện tổng hợp TP HCM… và kết nối cơ sở dữ liệu nước ngoài (H.W.Wilson, IEEE Digital Library, Proquest Digital Dissertation…). Phòng học cho sinh viên theo đúng chuẩn của thư viện hiện đại (ngăn ô, có hệ thống điện và Wifi để dùng máy tính xách tay), lắp đặt hệ thống điều hoà nhiệt độ cho toàn thư viện. Bằng sự thay đổi đồng bộ, nâng cấp cơ sở vật chất hướng đến đạt chuẩn và hiện đại, Trường Đại học Lạc Hồng đã tạo ra một môi trường học tập và nghiên cứu tốt cho sinh viên.

Để đảm bảo triết lý giáo dục, nhà trường đặc biệt chú trọng đến nhân tố con người. Ý thức được tầm quan trọng của nhân tố này, trường Đại  học Lạc Hồng đã quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu nhằm chủ động trong việc đảm đương công tác đào tạo của trường. Qua 12 năm, đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường đã đảm đương được hơn 50% thời lượng giảng dạy. Toàn trường có 650 giảng viên trong đó giảng viên cơ hữu của trường là 350 người  (5 Giáo sư, 11 Phó Giáo sư, 2 Tiến sĩ khoa học, 41 Tiến sĩ, 90 Thạc sĩ, 201 Cử nhân). Với mong muốn xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu vững mạnh, Nhà trường có các chính sách khuyến khích như: cấp 20 triệu cho mỗi giảng viên thi đậu Thạc sĩ, 30 triệu khi thi đậu Tiến sĩ, cán bộ giảng viên khi đi học dài hạn sẽ được hưởng 70% lương... Trường sử dụng nhiều nguồn tài trợ, học bổng khác nhau để đưa cán bộ, giảng viên đi đào tạo trong và ngoài nước nhằm đáp ứng được đội ngũ kế thừa. Tổ chức cho cán bộ nhân viên tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên đề, tập huấn, dự hội nghị, hội thảo khoa học... để nâng cao chất lượng giảng dạy. Đội ngũ cán bộ giảng viên được thừa hưởng chế độ khuyến khích của trường ngày càng nhiều. Với những hỗ trợ như vậy trường đã xây dựng được phong trào học tập nghiên cứu của cán bộ giảng viên, nâng cao năng lực chuyên môn, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo của trường.

Trường Đại học Lạc Hồng rất coi trọng quá trình đào tạo, xây dựng triết lý của mình và thực hiện tốt triết lý đó. Là một trường Đại học đa ngành nghề, đa lĩnh vực và phương thức đào tạo, có đội ngũ cán bộ giảng viên trẻ năng động nên trường Đại học Lạc Hồng rất thuận lợi trong việc triển khai và thực hiện chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và doanh nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Trường đã xây dựng chương trình đào tạo hiện đại và được triển khai thông qua đổi mới phương pháp giảng dạy; gắn kết giữa dạy, học và nghiên cứu khoa học. Phương pháp dạy học tiên tiến xây dựng dựa trên chính triết lý đào tạo của nhà trường. Do đó trường xây dựng chương trình đào tạo hướng đến người học tự học có hướng dẫn của giáo viên. Trường không còn xem sinh viên là đối tượng truyền thụ kiến thức mà xem họ là đồng nghiệp. Trong lớp sinh viên có quyền nêu câu hỏi cùng thầy giáo thảo luận làm cho việc nhận thức bài học sâu sắc hơn. Giáo viên soạn đề cương bài giảng có phần lý thuyết, phần nêu câu hỏi hiểu bài, câu hỏi cần vận dụng nhiều kiến thức mới trả lời được hoặc câu hỏi mà sinh viên cần phải tự học, tự nghiên cứu mới giải quyết được. Trường xây dựng tỷ lệ giữa lý thuyết và thực hành trong chương trình đào tạo trước đây là 7:3 hay 6:4 và đã thực hiện hiệu quả trong nhiều năm. Hai năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tỉ lệ 6:4 hoặc 5:5. Như vậy trong nhiều năm liền trường Đại học Lạc Hồng đã đưa ra tỉ lệ đúng đắn và thực hiện tốt tỉ lệ lý thuyết, thực hành trong chương trình đào tạo của mình.

Nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu của doanh nghiệp và cũng nhằm khơi dậy tiềm năng trong mỗi sinh viên, trong 8 năm qua trường Đại học Lạc Hồng chủ trương để sinh viên tự chịu trách nhiệm với các điểm tích lũy của mình. Sinh viên có điểm tích lũy từ 7.0 trở lên phải nghiên cứu khoa học. Nếu nghiên cứu khoa học không thành công sinh viên đó phải làm lại chứ không được chuyển qua thi tốt nghiệp. Các công trình nghiên cứu phải có sản phẩm cụ thể ứng dụng thực tiễn. Riêng các đề tài nghiên cứu lý thuyết phải có công trình cụ thể đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành. Đối với giáo viên nếu không nghiên cứu khoa học, nhà trường sẽ không phân công giảng dạy, trên hai lần không nghiên cứu trường sẽ không chấp nhận làm giáo viên cơ hữu. Nhờ thực hiện nghiêm túc những quy định đó mà phong trào nghiên cứu khoa học của trường đạt được hiệu quả rất cao. Để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào nghiên cứu khoa học trường còn có chính sách khuyến khích các công trình nghiên cứu như: thưởng 1 triệu cho bài đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước, 3 triệu cho bài đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành nước ngoài và có lũy tiến. Nhờ đó phong trào nghiên cứu khoa học của trường phát triển cao, có nhiều công trình ứng dụng trong thực tiễn, chuyển giao cho các cơ quan, công ty, xí nghiệp sử dụng. Thương hiệu của trường cũng vì thế    mà phát triển ngày càng cao.

Nhờ Giáo viên và sinh viên hưởng ứng tích cực phong trào nghiên cứu khoa học và nghiên cứu có kết quả, nhà trường xây dựng mô hình “Nhà trường cùng doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và sử dụng kết quả nghiên cứu đó”. Trong thời gian vừa qua trường đã chuyển giao dây chuyền kiểm tra và xếp vỉ linh kiện điện tử hoặc máy hàn chì tự động cho công ty TNHH Điện Tử NEC TOKIN Việt Nam (100% Vốn Nhật Bản); Lắp đặt và chuyển giao Tủ điều khiển nguồn tự động cho công ty TNHH Công Nghiệp Plus Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa 2); máy uốn thép tự động chuyển giao cho DNTN Học Thuận Hòa, máy bôi trơn khuôn đúc bêtông chuyển giao cho công ty bêtông Châu Thới... Trong năm vừa qua trường Đại học Lạc Hồng đã ký kết chuyển giao công nghệ trị giá 2 tỷ và sẽ tăng trong năm nay.

Để thực hiện tốt triết lý “Sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay không phải đào tạo lại” trường Đại học Lạc Hồng đã ký kết với các công ty, xí nghiệp, xác định nhu cầu nhân lực trong 5 năm, 10 năm… để có hướng đào tạo nhân lực cho sát với nhu cầu thực tế. Thời gian qua trường đã ký kết với 34 công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh…để tiếp nhận sinh viên đi lao động thực tế cuối khóa. Với hoạt động này, Trường Đại học Lạc Hồng đã biến công ty, xí nghiệp thành nơi thực hành, thực tập cho sinh viên đồng thời giúp sinh viên trực tiếp tiếp xúc với các công nghệ tiên tiến của nước ngoài, làm quen với những quy định làm việc của công ty…Đó chính là điều kiện thuận lợi để kí kết các hợp đồng lao động giữa công ty với sinh viên sau thời gian thực tập. Thực tế có nhiều sinh viên được các công ty ký hợp đồng làm việc ngay khi còn đang thực tập nhờ có nhiều sáng kiến đóng góp trong quá trình làm việc. Hoạt động liên kết với các công ty, xí nghiệp đã thắt chặt hơn mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiêp, hiệp hội các công ty nước ngoài ở Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh… liên hệ với nhà trường cấp học bổng toàn phần hoặc bán phần cho sinh viên ra nước ngoài học tập rồi về làm trụ cột cho công ty. Từ mối quan hệ này, trường gửi cán bộ giảng viên đi đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ tại các nước sở tại.

Một trong những tiêu chí của trường khi đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp là nguồn lao động có chất lượng cao, sinh viên tốt nghiệp không phải đào tạo lại. Chính vì thế trường đã quy định chuẩn đầu ra trình độ tin học, ngoại ngữ cho sinh viên tốt nghiệp khá chặt chẽ. Sinh viên khối kĩ thuật khi tốt nghiệp phải có chứng chỉ B Anh văn hoặc Toeic 400 điểm trở lên và chứng chỉ B tin học; Sinh viên ngành Ngữ văn Anh phải có chứng chỉ Toeic từ 750 điểm trở lên (hoặc Toefl từ 500 điểm trở lên). Sinh viên ngành Nhật Bản học phải có chứng chỉ Nikyu trình độ cấp 2, ngành Trung Quốc học là chứng chỉ HSK trình độ Trung cấp 6... Riêng sinh viên ngành Công nghệ Thông tin phải có một trong các chứng chỉ mạng của Cisco hoặc của Microsoft... Với quy định chuẩn đầu ra như thế, sinh viên có đủ khả năng làm việc trong các công ty, xí nghiệp ở trong nước và nước ngoài, thỏa mãn được yêu cầu của thực tế. Chất lượng thật của trường đã được đánh giá dựa trên sự công nhận của xã hội, các doanh nghiệp đã và đang sử dụng “sản phẩm” đào tạo của trường.   

Với triết lý đào tạo đầy trí tuệ và quan tâm đặc biệt tới người học nên dù có tuổi còn rất trẻ so với các trường Đại học khác nhưng Đại học Lạc Hồng đã đạt nhiều thành tựu đáng kể và được đánh giá là một trong những trường đại học hàng đầu trong hệ thống các trường Đại học ngoài công lập. Riêng lĩnh vực liên kết với doanh nghiệp để cùng nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất đã trở thành điểm mạnh của trường và góp phần không nhỏ trong việc tạo nên thương hiệu cho trường Đại học Lạc Hồng ngày hôm nay. Hy vọng với triết lý giáo dục đó và với lòng quyết tâm xây dựng trường của các nhà lãnh đạo thương hiệu của trường Đại học Lạc Hồng ngày càng bay cao, bay xa, tạo được tiếng vang trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Thu Hiền

đại học, lạc hồng, đào tạo, trí tuệ


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        11,247,449       74/2,686