Tin tức

"Bán" nhân lực chất lượng cao

Trao đổi về những bí quyết tạo nên con số 98% đầy ấn tượng, Tiến sĩ Trần Hành – Hiệu trưởng ĐH Lạc Hồng cho biết: “Trước hết là một sự may mắn khi thầy trò Lạc Hồng được dạy và học tại Đồng Nai – một địa bàn có nhiều khu công nghiệp lớn và là một thị trường tiêu thụ lý tưởng cho dịch vụ đào tạo với trên 1400 nhà máy, xí nghiệp tại 22 KCN. Đây là điều kiện thuận lợi để các sinh viên vừa học vừa hành. Nhằm tạo hiệu quả cho việc gắn đào tạo với sử dụng chúng tôi đã xây dựng chương trình đào tạo mang tính thực hành cao để phù hợp với thị trường việc làm khổng lồ tại đây”.
Sinh viên “ăn””lương
Trong những năm qua, Lạc Hồng thường xuyên gắn kết với các DN để tiếp thu công nghệ mới, tích luỹ kinh nghiệm cho việc phỏng vấn xin việc của sinh viên khi ra trường và phối hợp với các DN tổ chức nhiều buổi hội thảo giới thiệu cơ hội việc làm giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp. Ngay từ năm thứ 3, tất cả sinh viên đều được nhà trường giới thiệu đến thực tập tại các nhà máy để nâng cao năng lực thực hành, tạo kỹ năng làm việc thật tốt cho sinh viên sau khi ra trường. Điều đáng kể là sinh viên Lạc Hồng được các DN trả lương như một công nhân thực thụ với mức thu nhập từ 700.000 đồng đến 2.000.000 đồng/tháng.
Bên cạnh việc liên hệ, tạo điều kiện cho sinh viên có việc làm, có thu nhập, ĐH Lạc Hồng đã được không ít Cty, xí nghiệp ký kết hợp đồng đào tạo. Các DN sẽ hỗ trợ tài chính để trường tổ chức đào tạo sinh viên theo đúng nhu cầu thực tế của từng DN.
Thắng lợi từ phong trào nghiên cứu khoa học
Một hoạt động nổi bật trong công tác đào tạo của Lạc Hồng những năm vừa qua là phát động phong trào nghiên cứu khoa học rộng rãi trong giảng viên và sinh viên nhằm tìm giải pháp cho các đề tài thiết thực phục vụ sản xuất và cuộc sống. Nhằm hỗ trợ sinh viên trong quá trình nghiên cứu khoa học, 25 phòng thí nghiệm của 18 ngành học luôn được vận hành đồng bộ, đồng thời nhà trường luôn có mức đầu tư kinh phí thoả đáng cho các đề tài. Riêng 2005, trường đầu tư 400 triệu đồng cho việc nghiên cứu khoa học. Với thế mạnh về khoa học ứng dụng, trường đã đưa vào hoạt động xưởng lắp ráp máy vi tính thương hiệu Lạc Hồng trị giá 2 tỷ đồng với công suất 1.000 máy tính/1 tháng.
Sau 7 lần tổ chức hội thảo khoa học dành cho sinh viên với hơn 300 đề tài, Hội nghị nghiên cứu khoa học của giáo viên với gần 70 đề tài, Lạc Hồng gặt hái được nhiều đề tài có tính thực tiễn cao và đã được ứng dụng. Đề tài “Nghiên cứu sơn Epoxy không dung môi bảo vệ mặt sàn bê tông của sinh viên Nguyễn Thanh Hải” đã được Cty Sơn Đồng Nai chấp nhận và triển khai đưa vào sản xuất. Đề tài “Xây dựng chương trình quản lý thiết bị IT” của sinh viên Nguyễn Thị Mai Trinh được Cty Fujitsu (100% vốn Nhật Bản tại KCN Biên Hoà II) đánh giá cao và đưa vào sử dụng…
Riêng đề tài “Robot lau kính nhà cao tầng” sau một năm vừa chế tạo vừa thực nghiệm đã được Sở Khoa học và Công nghệ nghiệm thu ngày 14/7/2006. Robot này mỗi giờ leo được 10 m, ngang khoảng 7 – 8 m, (khoảng 80 m2). Nó có thể di chuyển trên các mặt phẳng nằm ngang, mặt phẳng dựng đứng và mang các thiết bị kèm theo để thực hiện công việc lau, rửa kính, quan sát và sơn sửa.
Năm 2005, lần đầu tiên có tên trong cuộc thi Robocon nhưng sinh viên Lạc Hồng đã giành được giải ba toàn đoàn khu vực các trường đại học phía Nam. Và vừa qua, tại cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp” do Báo Diễn đàn DN tổ chức, giải thưởng 20 triệu đồng và học bổng lập trình viên quốc tế Aptech trị giá 1.970 USD đã thuộc về nhóm sinh viên khoa Quản trị Kinh tế với giải pháp hình thành và phát triển Cty TNHH Dịch vụ ẩm thực Rosa.
Hiện đại hóa để nâng cao chất lượng đào tạo
       Nhằm tiếp tục đưa trường học tiếp cận với thực tế sản xuất tại các KCN, trong những năm tiếp theo, Lạc Hồng sẽ xây dựng 2 trung tâm vừa học vừa làm tại KCN Nhơn Trạch (diện tích 50.000 m2) và tại thị xã Long Khánh (diện tích 10.000 m2). Đồng thời trang bị thêm các phòng thí nghiệm bằng 2 nguồn: mua lại thiết bị thanh lý của các DN nhằm giúp sinh viên làm quen với công nghệ sản xuất, mua mới các thiết bị hiện đại đưa vào phục vụ việc học tập, giảng dạy với kinh phí đầu tư dự kiến 10 tỷ đồng. Tại các phòng học, trường sẽ trang bị thêm camera nhằm quản lý tốt hơn việc dạy và học.
       Song song đó, trường sẽ hoàn thành việc đưa các giáo trình lên mạng, dùng văn phòng điện tử để quản lý chặt chẽ việc học tập của sinh viên. Mục tiêu của Lạc Hồng đến năm 2010 là hoàn tất việc thi trắc nghiệm trong tất cả các môn học. Và hiện nay, trường có kế hoạch sản xuất các máy tính giá rẻ phù hợp với túi tiền của sinh viên…
       “Bên cạnh những nỗ lực tự thân của trường, chúng tôi cũng mong muốn được nâng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm bởi cơ sở vật chất của trường đủ cho 16.000 sinh viên học tập nhưng với chỉ tiêu của Bộ GDĐT thì hiện nay trường chỉ có 8.000 sinh viên và hơn 2.000 học viên hệ trung cấp. Điều đáng nói là sự lãng phí này đang tồn tại trước khát vọng được bước chân vào giảng đường đại học của rất nhiều bạn trẻ” - ông Trần Hành chia sẻ.

Huyền

chất lượng, nhân lực


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        9,896,637       2/754